Báo đáp quê hương là giúp đỡ chính mình

0
2252
Liên hệ đặt quảng cáo

Ham kiếm tiền là bản tính của người làm kinh doanh, không thấy lợi thì không làm. Nhưng có người thì kiếm được nhiều tiền mà có người chỉ kiếm được ít; có người tiêu càng nhiều thì kiếm được càng nhiều; có người thì bo bo tích cóp tiền của nhưng không sao kiếm nổi tiền. Nếu có 2 triệu trong tay, bạn có bỏ ra 1 triệu để làm việc gì đó giúp ích cho quê hương không? Có lẽ đa số mọi người không làm thế, vậy mà có người đã chấp nhận bỏ ra 1 triệu để kiếm về 10 triệu. Người đó đã làm thế nào vậy?

Sau khi tốt nghiệp đại học, Trương ở lại Bắc Kinh làm việc trong một công ty xuất bản. Sau 10 năm làm việc, anh đã tách ra mở một công ty văn hóa nhỏ, chủ yếu làm về mảng sách thiếu nhi. Mấy năm gần đây, anh rất ít khi về quê, chỉ khi năm hết Tết đến mới về nhà thăm bố mẹ, bạn học cũ và họ hàng. Anh không có nhiều mối quan hệ ở quê vì hầu hết các nhà xuất bản ở Trung Quốc đều tập trung ở Bắc Kinh, Trương không có công việc gì ở quê cả. Nhưng hễ có người nào ở quê lên Bắc Kinh là họ lại tìm đến Trương, anh cũng rất nhiệt tình đón tiếp, dù sao thì một người ở nông thôn cũng không dễ dàng sống ở Bắc Kinh được, có người để nhờ vả vẫn là tốt nhất.

Công việc của Trương ở Bắc Kinh khá thuận lợi, tuy không phải là đại gia những cũng đủ ăn đủ mặc. Trương hợp tác với các nhà xuất bản để ra sách, hai bên cùng phát huy các mối quan hệ của mình, các nhà xuất bản tận dụng mối quan hệ quốc doanh còn Trương tận dụng các mối quan hệ dân doanh của mình. Không phải tất cả sách của nhà xuất bản đều được bán hết, bình thường vẫn có khoảng 10% bị trả lại. Mấy năm trở lại đây, số lượng sách trả về của công ty Trương trị giá khoảng 200 nghìn tệ, tuy nhiên, chi phí in sách cũng chỉ chiếm 10% giá thành mỗi cuốn sách thôi. Sách bị trả lại thường được đưa đến những hiệu sách đại hạ giá, bán với giá bằng nửa giá niêm yết. Nếu không kịp thời xử lí thì tiền bán sách cũng không đủ để bù đắp tiền thuê kho và chi phí khác.

Năm đó, Trương xuất bản bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao, bị trả lại hơn 10 nghìn cuốn, mỗi cuốn giá 20 tệ. Anh dự định sẽ đưa một phần đến các hiệu sách giảm giá, phần còn lại sẽ mang đến xưởng in để tái chế. Đúng lúc đó, một người bạn cũ của anh là Lí, hiện đang làm Phó Cục trưởng cục văn hóa ở quê lên Bắc Kinh công tác, khi đến thăm công ty của Trương và nghe nói đến chuyện này, Lí cảm thấy rất có hứng thú. Lí là người có học vấn khá cao, ngắm nghía bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao trong tay mình, thấy nội dung sách rất hay, liền hỏi: “Sách hay thế này, lại còn mới nguyên, vậy mà cậu lại mang tới xưởng in để tái chế, đúng là lãng phí.”

Trương nói với vẻ tiếc nuối: “Tình hình hiện nay là như thế đấy, thông thường sau nửa năm hoặc một năm, các nhà sách sẽ trả sách tồn, mỗi năm có nhiều sách mới như thế, họ làm gì có chỗ mà bày, nếu không phải là sách hay thì có khi chỉ được bán trong vòng 3 tháng đến nửa năm thôi, sách bị trả lại, tôi chỉ còn biết đưa đến tiệm sách giảm giá hoặc bỏ đi, nếu không sẽ mất càng nhiều tiền thuê kho.”

Lí cười và nói: “Vậy thì tặng cho tôi vài bộ đi, mang về cho mấy đứa nhỏ ở nhà đọc.” Trương khoát tay nói: “Cậu thích cuốn nào, bao nhiêu cứ việc lấy, thứ khác thì tôi không có chứ sách thì không thiếu đâu.” Lí chỉ chờ có vậy, vội vàng nói: “Hay quá, cậu cho tôi hết số sách này nhé.”

Trương cảm thấy hơi bối rối, không hiểu Lí muốn làm gì, nghĩ bụng: “Có mang về cho con với tất cả họ hàng thì cũng không cần nhiều đến thế chứ.” Bấy giờ, Lí mới thẳng thắn nói: “Giám đốc Trương, cậu lớn lên ở quê nhà, chắc cậu biết điều kiện kinh tế dưới quê rất khó khăn, trẻ con không có tiền mua sách, thư viện ở nhà trường thì chỉ có lèo tèo vài cuốn, nếu cậu tặng số sách này cho các em nhỏ dưới quê thì chắc chắn chúng sẽ rất vui mừng.”

Trương tính toán nhanh, nếu đem bán giảm giá số sách này thì cũng chỉ mang về có 20 nghìn tệ, tuy mình không giàu có gì nhưng 20 nghìn không phải là số tiền lớn, quyên góp cho trẻ em dưới quê cũng coi như làm việc thiện, kiếm được tiền thì cũng phải biết chia sẻ với người khác nữa chứ. Bản thân anh cũng là con nhà nghèo, ngày xưa cũng làm gì có tiền mua sách. Thế là Trương nói: “Chỉ cần cậu thích thì cứ việc lấy, tôi cũng muốn tặng cho bọn trẻ dưới quê, tôi sẽ trả cả tiền vận chuyển nữa, làm việc tốt phải làm đến cùng chứ.”

Việc Lí mang sách về quê đã gây được tiếng vang lớn, đài báo và truyền hình địa phương đều đăng thông tin về việc này. Họ nói rằng Trương quyên góp số sách trị giá thực 200 nghìn tệ chứ không phải là 20 nghìn tệ theo giá niêm yết trên thị trường. Trương trở thành người nổi tiếng ở quê, bạn bè đều tưởng anh đã phát tài, làm từ thiện mà cũng đã 200 nghìn tệ thì chắc là tài sản thực còn nhiều gấp hàng trăm lần như thế. Thật ra, lúc bấy giờ, Trương chỉ có 1 triệu tệ mà thôi.

Sau đó, khi Trương về quê ăn Tết, cán bộ phụ trách văn hóa ở quê còn đích thân xin gặp mặt anh. Người cán bộ này rất coi trọng anh vì tuy đang sống ở nơi khác nhưng vẫn không quên quê hương, trong lúc nói chuyện, Trương cũng giới thiệu đôi chút về thị trường văn hóa ở Bắc Kinh, hai người trò chuyện rất ăn ý và trở thành những người bạn thân thiết.

Mấy năm sau, Trương lại quyên góp một lượng sách trị giá 1 triệu tệ cho quê mình, dần dần trở thành nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương, các nguồn vốn tự nhiên tìm tới chỗ anh vì mọi người đều nghĩ rằng anh là người có năng lực, nếu không có năng lực thì sao dám quyên góp số sách đáng giá 1 triệu tệ cơ chứ? Mặt khác, mọi người cũng rất tin tưởng anh là người nhiệt tình với việc công ích đồng thời có nhân cách cao thượng. Trương đã cảm nhận được vị ngọt của việc càng tiêu nhiều tiền thì lại càng kiếm được nhiều hơn.

Mấy năm trở lại đây, toàn Trung Quốc đang đề xướng phát triển “nền kinh tế không khói, phát triển xanh”. Ngành văn hóa nhận được sự quan tâm chưa từng có, vì chỉ cần vài cây bút màu, vài cái máy tính là đã có thể làm sách, vẽ tranh, không tạo ra chất thải độc hại; hơn nữa, khi dự án thành công, có thể kiếm được hàng chục đến hàng trăm triệu tệ.

Quê Trương sắp khánh thành Viện sáng tạo văn hóa rộng 100 mẫu, chính quyền địa phương không có tiền nhưng có đất. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đã có quy định và chính sách khuyến khích đối với các Viện sáng tạo văn hóa, ví dụ như giá đất thổ cư là đắt nhất, sau đó đến đất dùng làm khu công nghiệp, giá đất dùng để xây khu công nghệ cao và dùng cho lĩnh vực văn hóa là thấp nhất – chỉ bằng một nửa so với bình thường. Người phụ trách ngành văn hóa ở địa phương chính là người cán bộ mà Trương từng quen biết.

Việc Trương tham gia vào dự án này là điều mà người dân quê kì vọng nhất, một phần là vì anh đã làm trong lĩnh vực văn hóa ở Bắc Kinh khá lâu, nhất định là hiểu biết rộng, đồng thời cũng có nhiều mối quan hệ với những người trong ngành; mặt khác, Trương đã để lại ấn tượng tốt đẹp nhờ việc quyên góp sách trong mấy năm qua. Vậy là Trương đã hợp tác với mấy đối tác cùng ngành ở Bắc Kinh lập viện văn hóa, ngoài xây dựng mấy tòa nhà văn phòng, còn xây cả nhà ở cho nhân viên; nhờ vào chính sách khuyến khích của chính phủ mà viện văn hóa phát triển rất nhanh chóng, Trương từ chỗ là ông chủ của một công ty xuất bản nhỏ không mấy tiếng tăm, trở thành Tổng giám đốc của một viện văn hóa, mở rộng phạm vi kinh doanh ra cả nước ngoài. Hiện nay, Viện đang nhận làm phim hoạt hình cho một số đối tác nước ngoài, doanh thu hàng năm lên tới hàng chục triệu tệ.

Bài học tâm đắc

Một người có thể làm nên sự nghiệp được hay không, thành công tới mức nào một phần không nhỏ phụ thuộc vào cốt cách của người đó. Người có nhân cách lớn mới có thể làm nên đại sự, người có nhân cách lớn mới có thể bỏ qua sự được mất trước mắt để nhìn xa trông rộng, mới có thể kêu gọi sự hợp tác của nhiều người, mới có thể gặp được quý nhân thật sự. Kiếm tiền đã khó, tiêu tiền còn khó hơn. Tiêu tiền không phải cho việc ăn uống, quần áo, nhà cửa mà chính là đầu tư sao cho đúng để giúp ích cho xã hội.

Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ – Lão Mạc

Làm thế nào để tiêu ít tiền nhất mà đạt hiệu quả quảng cáo cao nhất

Nếu thấy hữu ích - Like để ủng hộ chúng tôi