Càng âm thầm càng gây chú ý

0
1920
Liên hệ đặt quảng cáo

Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao; đoàn kết là sức mạnh, đó là đạo lí mà ai cũng biết, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu và gia công sản phẩm. Chỉ khi mọi người cùng hợp sức trong một ngành nghề thì mới có thể hình thành một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh. Khi đã có dây chuyền sản xuất rồi, để phát triển nó đòi hỏi các bộ phận trên dưới phải hợp tác với nhau, cùng giảm thiểu chi phí. Chính vì thế mà ở Trung Quốc hiện nay có rất nhiều đặc khu kinh tế được đầu tư và phát triển. Vậy mà có người rõ ràng cần thu hút nhiều đối tác kinh doanh nhưng lại làm điều đó một cách rất thầm lặng.

Anh Sử sinh ra ở một vùng núi hẻo lánh và nghèo nàn, anh đã cố gắng thi đỗ đại học để có thể rời xa vùng quê nghèo này. Lăn lộn làm ăn ở thành phố đã vài chục năm, đến nay anh cũng đã được coi là người thành đạt. Sau khi nghỉ hưu, anh Sử trở về quê, nhìn thấy cuộc sống nghèo khổ “giật gấu vá vai” của bà con hàng xóm, anh cảm thấy rất buồn và quyết định sẽ đầu tư hết số tiền hơn 1 triệu tệ dành dụm bấy lâu nay để cùng mọi người kinh doanh.

Anh Sử tìm người bạn cũ học cùng Đại học Nông nghiệp với mình bàn chuyện làm ăn, căn cứ vào tình hình ở quê, hai người đã thống nhất lựa chọn hình thức nuôi ngỗng lấy thịt. Sau khi đã suy nghĩ kĩ càng, anh Sử thấy phương án này rất khả thi, nhất định có thể mang đến cuộc sống no ấm cho người dân trong thôn. Anh liền vui mừng mang bản kế hoạch về quê, trước hết anh trình bày với những cán bộ trong thôn, họ nghe xong đều rất phấn khởi, lập tức thông báo chuyện này trên loa phát thanh, hi vọng nhân dân trong thôn đều nhất trí nuôi ngỗng, trong một năm có thể nâng số lượng ngỗng nuôi lên 100 nghìn con. Khi đạt đến quy mô này, có thể tối đa hóa đầu tư từ khâu chăn nuôi, phòng bệnh đến khâu sản xuất và chế biến. Bình quân thu nhập đầu người của thôn hiện nay là hơn 3.000 tệ một năm, nếu nuôi ngỗng thành công, bình quân thu nhập sẽ được tăng lên thành 5.000 – 6.000 tệ một năm. Anh Sử đã liên hệ với chuyên gia ở trường Đại học Nông nghiệp để được tư vấn về cách chăn nuôi và mạng lưới bán hàng. Đây đúng là một kế hoạch kiếm tiền khả thi.

Nhưng sau ba tháng nỗ lực, người dân trong thôn vẫn có vẻ rất lạnh nhạt với kế hoạch này, có người còn tránh mặt, từ chối không muốn góp vốn. Cán bộ trong thôn cũng không còn mặn mà với kế hoạch này nữa, anh Sử cảm thấy rất kì lạ, sau này mới biết rằng trước đây mấy khóa, cán bộ thôn cũng đã học được mấy kế hoạch làm giàu từ những vùng khác, nói thì hay nhưng làm mới thấy khó, một phần là tính toán chưa kĩ nên càng về sau càng khó khăn; thứ hai là trong đội ngũ cán bộ thôn có người tham ô của công. Chính vì thế người dân trong thôn không những không kiếm được tiền mà còn bị lỗ vốn.

Khóa cán bộ này mới lên thay không lâu, người dân trong thôn đã có định kiến không tốt về những cán bộ trước đây nên họ cũng không tin tưởng lớp cán bộ mới này. Còn với anh Sử, mọi người đều biết anh đã lăn lộn ở ngoài xã hội bao nhiêu năm trời, là người thành đạt nhất trong thôn, nhưng anh đã rời quê lên thành phố sống từ sớm, đã quen với cuộc sống phồn hoa đô hội, còn đây là ở quê, có khi năng lực làm nông nghiệp của anh còn chẳng bằng những người nông dân, chính vì thế người dân cũng có phần e dè thiếu niềm tin.

Anh Sử nghĩ bụng, mọi sự như thế cũng đành tạm thời im lặng chứ biết làm sao. Bản thân mình tự nhiên bỏ thành phố về quê sống, bảo sao người ta không tin, chuyện lời nói của cán bộ thôn không được người dân chấp nhận cũng là một chuyện khó trách. Nhưng nếu bản kế hoạch này của mình không huy động được người dân đồng lòng thực hiện, không tạo thành quy mô mà chỉ ở trình độ manh mún thì rất khó thành công. Đánh giá một cách thành thực thì trình độ văn hóa của cán bộ thôn cao hơn nơi khác, năng lực của họ cũng rất khá, họ đều ủng hộ kế hoạch của anh, trong khi người dân nơi đây có một nguyên tắc rất cơ bản là thấy lãnh đạo làm gì thì làm theo nấy, chắc chắn không sai. Lãnh đạo là người thông minh, mình làm theo chắc chắn sẽ không bị thiệt.

Nghĩ vậy, anh Sử liền đi tìm cán bộ thôn để nói chuyện và xác định phương án hành động. Người dân phát hiện cán bộ thôn gần đây không phát biểu trên loa, cũng không đến trụ sở làm việc, cứ nghĩ rằng kế hoạch làm giàu đã đổ bể. Không ngờ lại thấy anh Sử và cán bộ thôn càng thân thiết hơn, thường xuyên tụ tập ra vẻ bí hiểm. Lẽ thường là vậy, có khi chuyện càng công khai thì người ta càng chẳng tin, ngược lại, những chuyện càng mờ ám lén lút lại càng thu hút sự chú ý của mọi người.

Sau khi nghe ngóng, người dân trong thôn đoán rằng anh Sử và cán bộ thôn muốn làm ăn riêng, trước đó mở cuộc họp lớn, cuộc họp nhỏ, tuyên truyền với nông dân chỉ hòng che mắt cấp trên chứ thực chất chỉ muốn làm ăn riêng. Anh Sử còn ứng trước cho mỗi cán bộ một nửa số tiền nuôi ngỗng, đến khi ngỗng lớn, anh Sử sẽ phụ trách khâu bán hàng. Việc làm ăn xem ra chẳng có rủi ro gì, trung bình một đàn ngỗng hai tháng có thể xuất chuồng. Ở quê có nhiều đồng ruộng, thức ăn chăn nuôi, ao hồ, chỉ tốn chút công sức trông coi đàn ngỗng thôi. Bây giờ không chỉ có các cán bộ thôn mà ngay cả họ hàng thân thích của họ cũng lén tham gia, chỉ là họ không nói cho ai biết thôi.

Một tấm gương sáng quả nhiên có một sức ảnh hưởng rất lớn, người dân trong thôn đều tin tưởng rằng cán bộ có nhiều hiểu biết hơn người dân, nếu bị thua lỗ thì nhất định họ sẽ không làm đâu, thế là họ bắt đầu “vận dụng” các mối quan hệ với cán bộ, lũ lượt kêu gọi nhau tham gia vào kế hoạch này. Là người cùng thôn, quanh đi quẩn lại toàn là họ hàng, anh Sử và cán bộ thôn giả vờ khó xử, đành phải phân công chỉ tiêu cho mọi người. Những người nhận được chỉ tiêu nuôi ngỗng đều rất phấn khởi và cố gắng xin nhiều hơn để chứng tỏ mình có quan hệ thân thiết hơn với cán bộ.

Một tháng sau, toàn thôn đã nuôi được khoảng 30 nghìn con ngỗng, anh Sử đã khống chế số lượng ngỗng ban đầu ở mức thấp để có thể tăng tính tích cực của dân làng.

Sau 3 lần xuất chuồng, người dân trong thôn đã được hưởng thành quả ngọt ngào từ việc nuôi ngỗng, họ lại càng mở rộng quy mô hơn nữa, cho đến bây giờ, số lượng ngỗng luôn ổn định ở mức khoảng 100 nghìn con. Anh không chỉ phát triển được việc kinh doanh của bản thân mình mà còn khiến kinh tế của cả vùng quê nghèo khởi sắc theo.

Bài học tâm đắc

Nhiều người miệng nói một đằng mà trong lòng lại nghĩ một nẻo. Nếu bạn muốn hiểu anh ta nghĩ gì thông qua những thể hiện bên ngoài thì có thể sẽ rất khó khăn. Hiểu được ý định sâu xa của người khác thật sự là một môn học không dễ dàng gì. Tuy nhiên, vẫn có một cách rất đơn giản để hiểu được bản chất của sự việc thông qua hiện tượng bên ngoài, đó là “thính kì ngôn, quan kì hành” tức là dựa vào lời nói và hành động. Sự ràng buộc giữa các đối tác trong kinh doanh chính là lợi ích, đó cũng là bản chất trong kinh doanh, chỉ nói về cách hợp tác để có lợi nhuận là không đủ. Tôi làm cho bạn xem, bạn học theo tôi để làm, tôi đầu tư nhiều hơn, rủi ro chắc chắn sẽ cao, tóm lại là nếu lãi thì ai ai cũng có phần, nếu lỗ thì mọi người cùng lỗ, tôi lỗ nhiều, bạn lỗ ít. So với việc chỉ nói mà không làm thì cách này sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc thu hút đối tác.

Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ – Lão Mạc

Điểm đúng huyệt, ngành nghề ít lãi cũng có thể phát tài

Nếu thấy hữu ích - Like để ủng hộ chúng tôi