Phế liệu cũng có thể mang lại rất nhiều tiền

0
2006
Liên hệ đặt quảng cáo

Phế liệu thường là những đồ vật không có giá trị hoặc có giá trị rất nhỏ. Tuy nhiên, trong xã hội vật chất, bất cứ thứ gì cũng có giá trị riêng của nó, đều có thể quy ra tiền. Người biết cách tận dụng phế liệu một cách tốt nhất và biết biến đổi nó thành một sản phẩm có thể trao đổi được thì chắc chắn sẽ kiếm được rất nhiều tiền trong khi chỉ phải bỏ một chi phí rất thấp. Phế liệu biến thành tiền là chuyện không tưởng hay là một ước mơ có thể hiện thực hóa đây?

Chị Châu năm nay đã 56 tuổi, là một công nhân đã về hưu, hàng tháng chị đều nhận được hơn 2.000 tệ tiền lương hưu. Ở Bắc Kinh, chị có tới hai ngôi nhà, con cái đều làm việc và sinh sống ở nước ngoài, rất ít khi về nước. Sau khi về hưu, chị Châu cảm thấy cuộc sống trong thành phố quá buồn tẻ, liền bàn bạc với chồng dọn đến nhà anh họ ở một huyện ngoại thành, vì ở đó không khí trong lành, nước sạch, nhịp sống lại nhàn nhã, yên bình, rất có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, anh chị cho thuê hai căn nhà ở trung tâm thành phố, mỗi tháng cũng kiếm được hơn 10 nghìn tệ nên cuộc sống rất thoải mái.

Khi anh chị Châu chuyển đến cũng là lúc khu vực đó đang có chiến dịch thúc đẩy du lịch ngoại ô, coi đó là một hướng phát triển kinh tế địa phương. Chị Châu đang muốn tìm một việc gì đó để làm, chứ cả ngày ở nhà thì cũng chán, thế là chị liền mở một trang trại và cùng anh họ thuê một mảnh vườn rộng khoảng hơn 100 mẫu để trồng cây ăn quả.

Trang trại của chị Châu chủ yếu trồng cây ăn quả và một ít rau xanh để phục vụ những người khách đến đây du lịch. Những cây táo, lê của trang trại rất thu hút khách du lịch. Những người đến đó đều có thể mua táo mang về nhà, nhờ đó mà 1/3 số hoa quả của trang trại đã được tiêu thụ nhanh chóng, lợi nhuận cũng cao hơn khi bán cho những thương lái. Chị Châu mừng lắm, nhưng niềm vui mới nhen nhóm đã phải nhường chỗ cho nỗi lo, vì khách du lịch chỉ tới vào một mùa nhất định, thời gian khác trong năm không có mấy ai đến đây. Cửa hàng hoa quả của chị Châu không kiếm được nhiều tiền như trước nhưng vẫn có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên chị không đành lòng nhìn cảnh trong vườn đầy những trái cây thối, rụng.

Chất lượng táo của nhà chị Châu không phải là thấp, chỉ có điều không bảo quản được, nếu cứ để thối hỏng thì không bán được đồng nào cả. Chị Châu hỏi anh họ sao không bán đi, giá thấp hơn một chút cũng không sao nhưng không thấy anh họ trả lời, chỉ lẳng lặng dẫn chị đi xem chuồng lợn ở mấy nhà lân cận. Đến lúc đó, chị Châu mới sững người kinh ngạc: thì ra hàng xóm xung quanh đều nhặt quả rụng về cho lợn ăn. Những quả táo rụng chẳng có thương lái nào thu mua, nếu mang ra chợ bán thì tiền công và tiền xe cũng đã cao hơn cả tiền bán.

Điều khiến chị Châu càng ngạc nhiên hơn nữa là năm nào cũng có một số lượng lớn táo không bán hết, người nông dân chỉ còn cách cất chúng xuống dưới hầm, thỉnh thoảng kiểm tra và loại bỏ những quả bị hỏng đến tránh lây sang quả khác. Mỗi năm, số táo bị vứt đi trong làng lên tới cả tấn. Từ trước tới nay, chị Châu quen mua táo loại ngon, mỗi cân cũng phải 10 tệ/cân nên khi nhìn thấy những quả táo bị biến thành rác thế này, trong lòng chị luôn trăn trở ý nghĩ làm thế nào để tận dụng hết số táo đó, biến rác thải thành tiền.

Ban đầu, chị Châu nghĩ đến việc bỏ hết những quả hỏng đi, giữ lại quả lành ép lấy nước và bán cho khách du lịch. Nhưng chồng và anh họ của chị một mực phản đối, vì nếu khách du lịch biết được rằng nước táo ép mà họ mua được làm từ những quả táo rụng và thải loại thì nhất định sẽ rất tức giận; mặt khác, muốn làm nước táo ép đóng chai thì phải có máy móc, kĩ thuật, và phải biết cách quản lí nữa. Sau lần đó, chị Châu vẫn không từ bỏ ý định, quyết tâm tìm ra một biện pháp khác.

Một hôm, qua tìm hiểu, chị Châu thấy có người phát tài nhờ nuôi sâu bột, hoa quả hỏng có thể dùng làm thức ăn cho loài sâu này. Chị đã suy nghĩ nhiều và quyết định thử sức trên lĩnh vực mới này, sâu bột là loài có tính ứng dụng cao, có thể làm thức ăn cho các loài bò sát, cá và gia cầm. Nuôi sâu bột chắc chắn sẽ có đầu ra, có điều giá cả sẽ là bao nhiêu mà thôi. Tiền đầu tư vào việc này cũng không đáng là bao, chỉ cần bỏ ra chút tiền để mua sâu bột về nuôi thử, nếu có thất bại thì cũng thiệt hại không đáng kể.

Thế là chị bắt tay vào nuôi sâu bột, người bán còn tặng cho chị mấy quyển sổ tay hướng dẫn cách nuôi. Mất nửa năm chị Châu mới nắm vững phương pháp nuôi sâu bột, mỗi tháng, chị có thể bán được hơn 3.000 tệ tiền sâu, tuy không phải là một số tiền lớn nhưng cũng gọi là có thu nhập. Sau khi biến hoa quả thải loại thành một sản phẩm đắt giá, ánh mắt của những người trong làng dành cho chị Châu cũng thay đổi hẳn.

Đang trên đà phát triển, chị Châu còn nghĩ ra một số món ăn chế biến từ sâu bột để bán cho khách du lịch. Rất nhiều du khách tò mò và thưởng thức món ăn có vẻ rùng rợn này một cách thích thú, sau khi nếm thử, họ đều thấy món này cũng khá ngon miệng nên đã không tiếc lời quảng cáo giúp chị Châu.

Mỗi khi có du khách tới, chị Châu rất nhiệt tình chế biến đồ ăn từ sâu bột và còn biểu diễn cách ăn cho họ xem một cách vui nhộn. Không khí vui vẻ đó khiến nhiều vị khách muốn thử món ăn đặc biệt này. Việc kinh doanh của chị Châu ngày càng phát đạt, tiếng tăm của chị lan ra khắp vùng, rất nhiều du khách đến đây chỉ để thưởng thức món sâu bột của chị, đồng thời được hái táo ở vườn một cách thỏa thích.

Có một thời gian, số lượng sâu bột nhân được tăng quá nhanh, không tiêu thụ kịp, chị phải mang sâu ra nuôi gà. Không ngờ, gà nhà chị ăn xong thì lớn rất nhanh, thì ra sâu bột có giá trị dinh dưỡng rất phong phú, chẳng trách sâu bột lại được người ta đặt biệt danh là sâu bánh mì. Ngay cả trứng gà nhà chị cũng có hương vị rất khác biệt khiến thực khách rất thích thú. Vậy là cửa tiệm của chị lại có thêm hai món chủ đạo mới là thịt gà và trứng gà.

Mỗi khi có khách tới, chị Châu đều dẫn họ đi thăm quan nơi nuôi sâu bột và gà trong trang trại của mình, những người thành phố thường thích những điều mới mẻ, bên cạnh đó, đây cũng là một trải nghiệm rất thú vị. Sau khi thăm quan, ăn uống, họ còn mua gà và trứng gà về nhà để làm quà và dùng dần. Tất nhiên, giá bán gà và trứng gà nhà chị Châu cao hơn so với thị trường một chút. Vậy là chị Châu không những đã biến những quả táo bỏ đi trong trang trại nhà mình thành thứ hữu dụng mà còn khuyến khích các hộ khác cùng tham gia ngành nghề này.

Bài học tâm đắc

Tất cả sự vật trên thế giới này đều có sự hữu dụng riêng, không có thứ gì đơn giản là phế liệu, điều quan trọng là bạn có thể phát hiện ra giá trị ẩn chứa bên trong những thứ phế liệu đó hay không. Rất có thể, ở thời điểm này, địa điểm này, đối với người này, đó chỉ là phế liệu nhưng ở thời điểm và địa điểm khác, thứ phế liệu này lại là thứ cần thiết và có ích cho người khác. Có những loại rác thải sau khi được gia công đã có giá trị lớn hơn hàng trăm, hàng nghìn lần. Ví dụ, sắt vụn cũng có thể dùng để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật được rất nhiều người làm nghệ thuật đánh giá cao.

Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ – Lão Mạc

Tích hợp sản phẩm, tay không lập nên thương hiệu

Nếu thấy hữu ích - Like để ủng hộ chúng tôi