Ưu, nhược điểm của các loại hình kinh doanh thương mại hiện nay

1
8613
Liên hệ đặt quảng cáo

Kinh doanh tổng hợp, chuyên môn hóa hay đa dạng hóa là những hình thức kinh doanh thương mại phổ biến hiện nay. Mỗi loại với tính chất khác nhau sẽ sở hữu ưu, nhược điểm riêng phù hợp với từng chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy đâu là hình thức doanh nghiệp bạn cần lúc này? Hãy cùng tìm câu trả lời bằng cách tìm hiểu rõ hơn về các loại hình kinh doanh thương mại qua bài viết.

Hiểu thế nào là kinh doanh thương mại?

Kinh doanh thương mại được hiểu là dùng tiền của, công sức, tài năng (toàn lực) của cá nhân/ tổ chức vào việc mua hàng hóa để buôn bán nhằm mục đích kiếm lời. Nói cách khác kinh doanh thương mại là khâu trung gian, đóng vai trò kết nối giữa nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng.

Small Business Marketing

Về phân loại, tùy theo các tiêu chí mà kinh doanh thương mại được chia thành:

  • Theo chủ thể kinh doanh: Gồm kinh doanh thương mại của một cá nhân hay một tổ chức.
  • Theo loại hình kinh doanh: Gồm kinh doanh thương mại chuyên doanh (chuyên môn hóa), tổng hợp và đa dạng hóa.
  • Theo phạm vi kinh doanh: Gồm kinh doanh trong nước, quốc tế và hỗn hợp.
  • Theo quyền sở hữu: Gồm kinh doanh thương mại của công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty tư nhân, hộ gia đình, công ty 100% vốn nước ngoài, công ty nhà nước.

Trong nội dung bài viết hôm nay chúng ta sẽ tập trung vào các loại hình kinh doanh thương mại và những ưu, nhược điểm của từng loại hình.

Ưu nhược điểm của các loại hình kinh doanh thương mại tại Việt Nam

Kinh doanh chuyên môn hóa

Kinh doanh chuyên môn hóa là việc đơn vị chỉ chuyên kinh doanh một mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ hoặc một nhóm hàng hóa có liên quan với nhau. 

Ưu điểm:

  • Mức độ tập trung rất cao từ khâu thông tin, chất lượng, giá phân phối, đối tượng mục tiêu,… Lâu dài bạn có thể vươn lên thành độc quyền trong kinh doanh đối với loại hàng hóa đó.
  • Dễ dàng thu hút và tìm kiếm nhân sự có chuyên môn cao, nghiệp vụ tốt.
  • Tập trung mọi nguồn lực vào đầu tư phát triển ngành hàng, xây dựng cơ sở vật chất chuyên dụng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường.

Nhược điểm:

  • Hệ số rủi ro cao do chỉ tập trung vào 1 ngành hàng/ lĩnh vực cụ thể. Khi thị trường biến động đơn vị cũng sẽ biến động theo mà không có lĩnh vực khác để chống đỡ kịp thời.
  • Tính đồng bộ thấp và thị trường bó hẹp trong lĩnh vực kinh doanh.
  • Trường hợp sản phẩm kinh doanh bão hòa, lỗi thời đơn vị muốn chuyển mình sang lĩnh vực khác, lúc này quá trình diễn ra chậm. 
Thủ tục pháp lý cần làm khi kinh doanh tại Việt Nam
Thủ tục pháp lý cần làm khi kinh doanh tại Việt Nam

Kiểu doanh nghiệp nào phù hợp: Với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới thành lập với số vốn chưa nhiều thì loại hình này là phù hợp để khởi sự thành công. Trong môi trường đậm tính cạnh tranh, việc bạn tập trung vào 1 lĩnh vực, phát triển sâu và tìm ra hướng đi mới sẽ giúp bạn “dễ ăn” hơn việc đa dạng hóa hay kinh doanh tổng hợp.

Ví dụ: Cửa hàng xăng dầu, cửa hàng chuyên bán hoa, cửa hàng chuyên về thịt sạch, cửa hàng cà phê,…

Kinh doanh tổng hợp

Đây là hình thức kinh doanh mà ở đó nhiều loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được buôn bán cùng lúc, miễn cho ra lợi nhuận cao.

Ưu điểm:

  • Khắc phục được những hạn chế của loại hình kinh doanh chuyên môn hóa.
  • Đáp ứng được đa dạng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
  • Hạn chế rủi ro từ thị trường và sự biến động của các ngành hàng, không phụ thuộc nhiều vào thị trường kinh doanh truyền thống.
  • Vốn kinh doanh được quay vòng linh hoạt, không tồn đọng.
  • Thị trường rộng, tập khách hàng lớn.

Nhược điểm:

  • Nguồn lực bị phân tán và đòi hỏi phải có nguồn vốn dồi dào để “cân” được hết các lĩnh vực.
  • Tính chuyên biệt của sản phẩm và hàng hóa thấp, khó trở thành độc quyền trong kinh doanh.
  • Khó khăn trong việc tuyển nhân sự am hiểu trong mỗi lĩnh vực, quỹ tiền lương cũng sẽ tăng theo số người làm.
  • Tính cạnh tranh cao bởi không yêu cầu chuyên môn sâu nên nhiều người làm được.

Kiểu doanh nghiệp nào phù hợp: Những doanh nghiệp có nguồn vốn tương đối ổn; thích sự cạnh tranh và kinh doanh đa lĩnh vực.

Ví dụ: Cửa hàng tạp hóa; bán hàng online, nhận order hàng Taobao, Amazon,…

Kinh doanh đa dạng hóa

Đa dạng hóa hiện là loại hình kinh doanh thương mại được nhiều chủ thể kinh doanh hướng tới. Thực chất đây là sự kết hợp của 2 loại hình kinh doanh chuyên môn hóa và kinh doanh tổng hợp để tối ưu ưu điểm và hạn chế nhược điểm của các hình thức này. 

Hiểu cách khác đa dạng hóa đòi hỏi đơn vị vừa phải phát triển chiều rộng (kinh doanh nhiều mặt hàng) vừa phải tập trung phát triển chiều sâu (chất lượng và độc quyền hóa). Để làm được điều này doanh nghiệp phải chuẩn bị thật tốt và toàn diện các nguồn lực vật lực, trí lực, nhân lực để đi đường dài.

Kết luận: Mỗi loại hình kinh doanh thương mại sẽ có ưu nhược điểm và mức độ phù hợp riêng với từng giai đoạn phát triển và tính chất của doanh nghiệp. Do đó hãy cân nhắc thật kỹ và lập kế hoạch kinh doanh phù hợp trước khi bắt tay vào làm giàu từ kinh doanh nhé!

Tìm hiểu thêm: “Xu thế kinh doanh trong những năm sắp tới sẽ là gì?” Tại đây

Nếu thấy hữu ích - Like để ủng hộ chúng tôi